Từ những kết quả đã đạt được của năm 2022, cộng với tiềm năng nội lực đang được khai thác, huyện Bảo Lâm có đủ các yếu tố sẵn sàng bứt phát trong năm 2023 trên nhiều phương diện.
Các kết quả đạt được trong năm 2022
Năm 2022, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, song nhìn lại bức tranh kinh tế – xã hội của huyện Bảo Lâm cho thấy địa phương đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của huyện đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đó là minh chứng cho sự quyết tâm, đoàn kết, sát sao trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; sự tin tưởng, đồng lòng ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn.
Theo đó, trong năm qua, tốc độ tăng trưởng sản xuất của địa phương được đảm bảo ở mức 8,82%; cơ cấu ngành kinh tế đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ. Trong đó, nông nghiệp được đầu tư phát triển theo hướng tập trung và ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất áp dụng khoa học – kỹ thật theo hướng công nghệ cao. Năng suất các loại cây trồng chính, chủ lực như cà phê, chè và cây ăn trái đều tăng so với năm 2021. Đến nay, huyện Bảo Lâm đã có 8 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao và 3 sao. Đối với lĩnh vực công nghiệp, sản lượng các sản phẩm chế biến cà phê, chè đều tăng trưởng tốt. Cùng với đó, kết quả sản xuất của Nhà máy Alumin trên địa bàn huyện đạt 112,27% kế hoạch đề ra. Qua đó, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương trong năm đạt hơn 266 triệu USD, bằng 106,56% kế hoạch.
Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện giảm mạnh và hiện còn 824 hộ nghèo, 1.749 hộ cận nghèo. Các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, môi trường và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Bảo Lâm đều đạt kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, trong năm qua, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đã đạt được kết quả ấn tượng, đảm bảo dự toán và lộ trình đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 1.340 tỷ đồng, bằng 130% dự toán và tăng 15% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng phần thu do huyện quản lý đạt hơn 902 tỷ đồng, bằng 189% dự toán và 141% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Nguyễn Ngọc Nhi, những kết đạt được trong năm 2022 cho thấy bức tranh kinh tế – xã hội của địa phương cơ bản đã phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ; đồng thời, đã khẳng định được những khó khăn về nội lực của nền kinh tế địa phương cơ bản được giải quyết; khả năng chống chịu khá tốt mọi khó khăn, cũng như nhạy bén khai thác cơ hội mở ra sau đại dịch COVID-19 khi các doanh nghiệp nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Đây chính là kết quả để địa phương tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2023.
Năm 2023: dồn lực cho các công trình trọng điểm
Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm Nguyễn Trung Kiên cho biết, năm 2023, Đảng bộ, chính quyền địa phương xác định, tranh thủ mọi nguồn lực cùng sự đồng hành của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp để tập trung thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, Bảo Lâm sẽ “Quyết liệt, đồng bộ, đột phá; kỷ cương, nêu gương, trách nhiệm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI”. Trong đó, tập trung công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ huyện đến cơ sở. Cùng đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội thực hiện có hiệu quả các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm trên địa bàn.
“Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, toàn huyện có 6 công trình, dự án trọng điểm được phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng để tạo sức bật phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân. Đến hiện tại, 6/6 công trình, dự án trọng điểm đã được triển khai đầu tư xây dựng, với khối lượng thực hiện đạt từ 30 đến 60%. Với phương châm Đảng lãnh đạo, HĐND giám sát và chính quyền thực hiện, Bảo Lâm đang tập trung nguồn lực để triển khai có hiệu quả các công trình, dự án trọng điểm. Qua đó, phấn đấu từ nay đến năm 2025 sẽ hoàn thành, nghiệm thu, đưa vào sử dụng tất cả các công trình, dự án trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra. Riêng năm 2023, Bảo Lâm phấn đấu hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng 3 công trình, dự án trọng điểm của huyện gồm Dự án Nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nội thị thị trấn Lộc Thắng và hệ thống vỉa hè, thoát nước trên Quốc lộ 20 qua xã Lộc An; Công trình Nhà thiếu nhi huyện Bảo Lâm và Công trình Nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ xã Lộc Tân đi TP Bảo Lộc”, đồng chí Nguyễn Trung Kiên cho hay.
Dự án Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương (thuộc cao tốc Dầu Giây – Liên Khương) được Đảng bộ, chính quyền địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 của địa phương. Vì vậy, Bảo Lâm sẽ tập trung thực hiện tốt công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định canh, định cư để cùng tỉnh Lâm Đồng triển khai dự án đạt kết quả cao nhất. Trên cơ sở đó, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân cùng thi đua để đưa Bảo Lâm đạt huyện nông thôn mới trong năm 2023.
Về sản xuất nông nghiệp, sẽ tập trung phát triển theo hướng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng chủ lực như cà phê, chè và một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ, mắc ca. Phấn đấu đến hết năm 2023 có 5 – 7 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 2 – 3 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và đạt doanh thu 147 triệu đồng/ha/năm. Trong phát triển công nghiệp, Bảo Lâm sẽ chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng 2 cụm công nghiệp Lộc Thắng và Lộc An để kêu gọi, thu hút đầu tư… phát triển kinh tế – xã hội.
Nhiều dự án được triển khai trên địa bàn thời gian này cũng làm tăng thêm sức hút cho huyện Bảo Lâm. Điển hình như Khu dân cư Chợ Lộc Đức – dự án đang nhận được sự quan tâm của giới đầu tư trên cả nước. Cùng với nền kinh tế – xã hội, hạ tầng và du lịch thì bất động sản Bảo Lâm cũng đã sẵn sàng để bứt phá trong năm 2023.
Leave A Comment