Quy hoạch huyện Bảo Lâm mới nhất thể hiện các thông tin về vị trí địa lý, diện tích, đơn vị hành chính, quy hoạch giao thông, kế hoạch sử dụng đất,… Đây là những thông tin quan trọng để nắm bắt kế hoạch phát triển của huyện trong tương lai, từ đó có những quyết định phù hợp trong đầu tư.

Quy hoạch vị trí, hành chính huyện Bảo Lâm

Bảo Lâm là một huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Di Linh, độ cao trung bình là 900 m. Trung tâm huyện cách Thành phố Hồ Chí Minh 210 km về phía đông bắc, cách thành phố Đà Lạt 140 km về phía tây nam cách trung tâm thành phố Bảo Lộc khoảng 8 km về phía bắc.

Vị trí địa lý huyện Bảo Lâm:

  • Phía Đông giáp huyện Di Linh;
  • Phía Tây giáp các huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên; Tây Nam giáp huyện Đạ Huoai và thành phố Bảo Lộc, thành phố Bảo Lộc gần như nằm trọn trong lòng huyện;
  • Phía Nam giáp các huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận);
  • Phía Bắc giáp thành phố Gia Nghĩa và các huyện Đắk R’lấp, Đắk Glong (Đắk Nông).

Quy hoạch huyện Bảo Lâm 2

Diện tích huyện Bảo Lâm là 1465 km2, dân số năm 2018 là 118.420 người. Các dân tộc chủ yếu sống ở huyện này là: K’ho, Kinh, Nùng, Tày….

Quy hoạch huyện Bảo Lâm gồm thị trấn Lộc Thắng (huyện lỵ) và 13 xã: B’Lá, Lộc An, Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Đức, Lộc Lâm, Lộc Nam, Lộc Ngãi, Lộc Phú, Lộc Quảng, Lộc Tân, Lộc Thành, Tân Lạc. Trong tương lai, có 5 xã huyện Bảo Lâm sẽ sáp nhập vào Bảo Lộc là: Lộc An, Lộc Thành, Lộc Tân, Lộc Nam, Tân Lạc.

Kinh tế chủ yếu của huyện là trồng cây công nghiệp như trà, cà phê, hạt tiêu… và khai thác lâm sản, khai thác quặng bauxit và chế biến ra alumin nhôm. Hiện nay Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam đang đầu tư dự án bauxit alumin nhôm Lâm Đồng với tổng vốn đầu tư 11 ngàn tỷ đồng. Nơi đây khí hậu ôn hòa bốn mùa mát mẻ.

Huyện Bảo Lâm là nơi tọa lạc của ngôi chùa nổi tiếng Linh Quy Pháp Ấn. Đây cũng là địa phương có dự án Đường cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt đi qua đang được xây dựng.

Quy hoạch giao thông huyện Bảo Lâm

Quy hoạch giao thông huyện Bảo Lâm được thực hiện theo Đồ án Quy hoạch giao thông tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể:

  • Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt (đoạn qua huyện dài 8,9 km);
  • Nâng cấp Quốc lộ 20 đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe; Quốc lộ 55 đạt tiêu chuẩn đường cấp II, 2 làn xe;
  • Nâng cấp đường ĐT 725 đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV miền núi toàn tuyến;
  • Xây dựng tuyến đường tránh phía tây thành phố Bảo Lộc từ mỏ Tân Rai – huyện Bảo Lâm ra Quốc lộ 20.
  • Nâng cấp và đầu tư xây dựng các tuyến đường đô thị thị trấn Lộc Thắng, đô thị Lộc An, trong đó ưu tiên nâng cấp đường bao quanh hồ Lộc Thắng và xây dựng vòng xoay ngã 5.
  • Nâng cấp tuyến đường từ Quốc lộ 20 vào trung tâm xã Lộc Thành.
  • Xây dựng bến xe trung tâm huyện, bến xe của xã Lộc Bắc – Lộc Bảo, Lộc Lâm – Lộc Phú, Lộc Thành, Lộc Tân, Lộc Nam, Tân Lạc.
  • Phát triển các trạm dừng chân, kết hợp với kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn Lộc An (dọc Quốc lộ 20).

Quy hoạch huyện Bảo Lâm 3

Hạ tầng tác động đến bất động sản Bảo Lâm, bằng chứng là nhiều dự án đang được triển khai dọc theo tuyến đường này. Điển hình là Khu dân cư Chợ Lộc Đức ở vị trí liền kề với Quốc lộ 20, cách cao tốc Dầu Giây – Liên Khương khoảng 5 phút di chuyển.

Quy hoạch phát triển đô thị huyện Bảo Lâm

Theo quy hoạch phát triển kinh tế huyện Bảo Lâm đến 2020, định hướng đến 2025. Xây dựng huyện Bảo Lâm trở thành một trong bốn địa bàn trọng điểm của tỉnh, liên kết với thành phố Bảo Lộc, nhà máy Alumin Nhân Cơ (huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) hình thành trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh và khu vực Tây Nguyên; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, xây dựng các đô thị Lộc Thắng và Lộc An là đô thị vệ tinh của Thành phố Bảo Lộc; phát triển nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; khai thác và sử dụng hợp lý các tiềm năng, thế mạnh để phát triển công nghiệp, dịch vụ.

Quy hoạch huyện Bảo Lâm

Quy hoạch phát triển công nghiệp tại Bảo Lâm

Quy hoạch phát triển công nghiệp huyện Bảo Lâm được định hướng theo Kế hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Lâm Đồng. Hiện tại trong kỳ 2021-2030 huyện đã có một số khu công nghiệp và quy hoạch xây mới, mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Theo quy hoạch phát triển kinh tế huyện Bảo Lâm đến 2020, định hướng đến 2025. Huyện Bảo Lâm tập trung đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao.

Vận hành có hiệu quả dự án Tổ hợp Bauxit Tân Rai giai đoạn 1, tiếp tục thực hiện đầu tư giai đoạn 2 để kết hợp với Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước.

Tiếp tục đầu tư và hoàn thành các nhà máy Thủy điện Đồng Nai 5, Đạm B’ri, Đại Nga để hòa lưới điện cuối năm 2015; đồng thời, vận hành ổn định các nhà máy thủy điện hiện có trên địa bàn như: Hàm Thuận – Đa My, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4.

Tiếp tục phát triển và mở rộng quy mô các ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nhất là công nghiệp chế biến nông sản và bảo quản sau thu hoạch đối với các sản phẩm lợi thế của địa phương, như: công nghiệp chế biến chè, cà phê…đảm bảo sản phẩm sản xuất ra đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu; thu hút đầu tư các nhà máy sản xuất viên gỗ nén vừa tận dụng phế phẩm vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn; tăng cường kêu gọi, thu hút vốn đầu tư; phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lấp đầy khoảng 50% đối với Cụm công nghiệp Lộc Thắng vào năm 2020 và phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lấp đầy từ 90 – 100% đối với Cụm công nghiệp Lộc Thắng và 30% đối với Cụm công nghiệp Lộc An.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất huyện Bảo Lâm đến năm 2030

Quy hoạch huyện Bảo Lâm 4

Ngày 7/3/2022, Hội đồng Thẩm định Quy hoạch sử dụng đất 2021-2030 tỉnh Lâm Đồng đã có thông báo số số 59/TB-HĐTĐ/STNMT về kết quả thẩm định quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Bảo Lâm.

Theo đó, diện tích đất ở đô thị, đất ở nông thôn quá lớn, thiếu căn cứ khoa học và lý luận để xác định chỉ tiêu này; tổng diện tích quy hoạch đất ở nông thôn đến năm 2030 là 3.926,24 ha tăng 452,15 % so với hiện trạng năm 2020 (868,34 ha), tương đương 130.000 hộ dân. Tỷ lệ tăng dân số khoảng 10%/năm, tăng cơ học khoảng 5%, như vậy hàng năm dân số tăng khoảng 15% đến năm 2030 dân số khoảng 150.000, tương đương 40.000 hộ.

vị trí và diện tích các khu vực chuyển quy hoạch được thể hiện trên trong bản đồ quy hoạch sử dụng đất của huyện. Trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất năm 2020 huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng có một phần diện tích được quy hoạch thị trấn Lộc Thắng.

Thị trấn Lộc Thắng là một trong 13 đơn vị hành chính trực thuộc huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, do đó quy hoạch giao thông, sử dụng đất thị trấn Lộc Thắng cũng được xác định theo bản đồ quy hoạch sử dụng đất năm 2020 huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Phương án quy hoạch sử dụng đất huyện Bảo Lâm được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện giao đất, cho thuê đất và đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn.

Trên là toàn bộ thông tin mới nhất về quy hoạch huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, hi vọng đã giúp anh/chị có cơ sở để nhận định, đánh giá cơ hội đầu tư tại mảnh đất này. Đừng bỏ lỡ các thông tin hấp dẫn khác về thị trường bất động sản Bảo Lâm được cập nhật tại website này nếu anh/chị đang quan tâm đến nhà đất tại Bảo Lâm.